ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ PHÚ SƠN
Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn

DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH ĐỀN ĐÌA LA

Thứ tư, 13/12/2023

DI TÍCH CẤP TỈNH

Đền Đìa La, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

       Đền Đìa La di tích lịch sử cấp tỉnh hay còn có tên gọi dân gian khác là đền làng Phú Đối. Đây là cách gọi tên di tích gắn liền với địa danh cũ của thôn (làng) là thôn Phú Đối, xã Phú Sơn.

       Đền Đìa La tọa lạc ở vị trí thoáng, rộng hướng về phía đông trên diện tích 850m. Phía nam tiếp giáp với đường đi là cổng của đền, phía trước là ao sen, hai phía còn lại tiếp giáp với cánh đồng. Xung quanh khuôn viên của di tích là hệ thống cây xanh cổ thụ. Đây là di tích từ lâu đã trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.

      Phía trước đền là khoảng sân rộng bằng bê tông tạo không gian thoáng, sạch cho di tích, phục vụ cho các ngày lễ hội được diễn ra tại đây. Bao quanh di tích là hệ thống tường bao bằng gạch.

      Đền Địa La là nơi thờ tự, tưởng niệm các vị thần, thánh như: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải; đức Trần Hưng Đạo đại vương. Đền thờ các vị thần, thánh với mong muốn là các vị thần thánh luôn che chở và phù giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

      Căn cứ vào các tiêu chí xếp hạng, những giá trị của di tích; căn cứ vào Điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Luật Di sản văn hóa thì đền Địa La thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa.

      Căn cứ theo Tờ trình số 01/TTr-PVHTT ngày 02 tháng 01 năm 2014 của phòng Văn hóa Thông tin huyện Nho Quan về việc xếp hạng di tích và sự thống nhất của địa phương, lấy tên gọi di tích là đền Đìa La, thôn 4, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

      Ngày 05/7/2016 di tích lịch sử Đền Đìa La được UBND tỉnh Quyết định xếp hạng là di sản văn hoá cấp Tỉnh/ Thành phố.

 

 

Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá đền Đìa La

 

 

                                                                     

Toàn cảnh di tích

 

 

 

Cổng di tích

 

      PHẦN I. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI TỚI DI TÍCH

      1. Địa điểm phân bố

      Di tích hiện nay tọa lạc tại thôn 4, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Vùng đất có di tích từ xưa đến nay đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau:

      Thời Đinh, Tiền Lê, Lý, huyện Nho Quan thuộc phủ Trường Yên; đến triều Trần (1225-1400) thuộc lộ Trường Yên, sau đổi là trấn Thiên Quan; năm Quang Thái thứ 10 (1397) đổi thành phủ Thiên Quan; triều Tự Đức năm thứ 15 (1862) đổi thành phủ Nho Quan.

       Năm 1924, di tích thuộc thôn Phú Đối, xã Lạc Bình, tổng Vô Hốt, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

      Năm 1946, sáp nhập xã Châu Sơn, xã Lạc Bình (nay là xã Thạch Bình) hình thành xã mới lấy tên là xã Lạc Hồng, di tích thuộc thôn Phú Đối, xã Lạc Hồng, huyện Nho Quan.

      Năm 1949, xã Lạc Hồng sáp nhập với xã Đức Long, xã Lạc Vân thành xã Lạc Long, di tích thuộc xã Lạc Long.

      Năm 1953, xã Lạc Long tách thành 3 xã: xã Đức Long, xã Lạc Hồng (nay là xã Thạch Bình) và xã Lạc Long. Năm 1955 xã Lạc Long tiếp tục tách thành 2 xã: xã Lạc Long và xã Lạc Vân. Di tích thuộc xã Lạc Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

      Năm 1965, xã Lạc Long được đổi thành xã Phú Sơn.

      Năm 1975, hợp nhất 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà thành Hà Nam Ninh. Di tích thuộc thôn Phú Đối, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Hà Nam Ninh.

      Năm 1977, sáp nhập huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn thành huyện Hoàng Long. Di tích thuộc thôn Phú Đối, xã Phú Sơn, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Nam Ninh.

      Năm 1981, huyện Hoàng Long tách thành hai huyện Hoàng Long và Gia Viễn. Di tích thuộc huyện Hoàng Long.

      Năm 1990, đổi thôn Phú Đối thành thôn 4 (gọi theo đơn vị sản xuất của xã).

      Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, di tích thuộc thôn 4, xã Phú Sơn, huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình.

      Năm 1993, đổi tên huyện Hoàng Long trở lại tên cũ là huyện Nho Quan. Từ đó đến nay di tích thuộc thôn 4, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

      2. Đường đi tới di tích:

      Từ thành phố Ninh Bình, đi theo Quốc lộ 1A về phía Hà Nội khoảng 11km đến ngã ba Gián Khẩu, rẽ trái đi tiếp khoảng 19km theo đường 477 tới địa phận xã Phú Sơn, rẽ phải khoảng 1km, tới đường bê tông rẽ phải đi tiếp khoảng 700m là tới di tích.

      PHẦN II. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ CÓ LIÊN QUAN TỚI DI TÍCH.

      A. Nhân vật thờ cúng tại di tích

      1. Tam tòa thánh Mẫu

      1.1. Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Đệ nhất Thiên tiên)

      Vào thời Hậu Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện An Thái, phủ Nghĩa Hưng, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) có ông Phạm Huyền Viên kết duyên với bà Đoàn Thị Hằng. Hai ông bà là người hiền lành, tu nhân tích đức, hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm, ông mộng thấy rằng: Ngọc Hoàng sẽ cho công chúa thứ hai là Hồng Liên đầu thai làm con. Từ đó bà có thai. Năm Quý Sửu bà sinh được một bé gái và đặt tên là Phạm Tiên Nga.

      Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, nết na, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Lớn lên bà xin ở vậy để chăm sóc cha mẹ và lo việc gia đình. Sau khi cha mẹ qua đời, lo song việc tang bà chu du khắp nơi thiên hạ để làm việc thiện. Bà ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước, khai khẩn đất ven sông, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu. Giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm. Sau đó, bà tới sửa chùa Sơn Trường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; chùa Hưng Long, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; chùa Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, tại đây bà chiêu dân lập ấp, lập thêm làng xã, dậy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, khuyên răn dân làng làm những điều hay lẽ phải. Năm Nhâm Thìn (1472), bà trở lại quê nhà để tu sửa nhà thờ tổ họ Phạm. Ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ thời Hồng Đức (1473), bà hóa về trời. Năm đó bà tròn 40 tuổi. Sau khi mất, để tưởng nhớ công ơn của bà nhân dân đã lập đền thờ tại quê nhà để thờ cúng.

      Thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557), vì thương nhớ cha mẹ và quê hương nơi cõi trần, bà giáng sinh lần hai làm con ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Vụ Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) tên là Lê Giáng Tiên. Lần này, bà kết duyên với ông Trần Đào, sinh được một người con trai và một người con gái. Bà mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái (1577). Năm ấy bà tròn 21 tuổi. Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dày, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

      Thời Lê Khánh Đức, năm thứ 2 (1650), bà giáng sinh lần thứ ba tại Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 10 tháng 10, bà tái hợp với ông Trần Đào lúc này là ông Mai Thanh Lâm, sinh được 1 người con trai. Bà mất ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668). Năm ấy bà tròn 18 tuổi. Bà được thờ tại phủ Sòng Sơn, Thanh Hóa.

      1.2. Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn

      Mẫu Thượng Ngàn còn có tên gọi khác là: Đông Cuông công chúa; bà chúa Sơn Lâm; Lê Mại đại vương; Diệu Tín thiền sư; Mẫu đệ nhị Nhạc phủ; Sơn Tinh công chúa. Bà vốn là con vua Đế Thích, lần đầu hạ giới bà là Quế Hoa Mỵ nương công chúa, con vua Hùng Định Vương và hoàng hậu An Nương. Lần thứ hai bà giáng sinh vào nhà họ Cao, một tù trưởng trên đất tỉnh Yên Bái. Bà đã tu thiền luyện đạo để cứu giúp dân lành. Khi nhân dân các bản mường đã có cuộc sống no ấm, bà đã hóa về trời.

      Sau đó, nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, biết lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang, được nhân dân suy tôn là: Diệu Tín Thiền Sư đây là cách gọi khi bà đã đắc đạo như nhà Phật. Bà âm phù giúp nhà Lý đánh thắng quân Tống, giúp nhà Trần đánh thắng quân Nguyên – Mông, giúp nhà Lê đánh thắng quân Minh, dẹp yên giặc trên dải sông Thao và miền Tây Bắc, trừng trị bọn cướp sông, cướp đường cùng ác bá cũng như thủy quái. Triều đình nhà Lê sắc phong bà là “Lê Mại Đại Vương”.

      Đền thờ mẫu Thượng Ngàn có ở khắp mọi vùng, nơi nào có rừng núi thì đều có đền Mẫu Thượng Ngàn. Nổi tiếng là cụm di tích đền Đông Cuông, đền Vọng Đông và đền Tuấn Quán tại tỉnh Yên Bái (là nơi Mẫu giáng trần làm con gái nhà tù trưởng họ Cao). Tiếp có đền Công Đồng Bắc Lệ và đền Thất Khê tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (tương truyền là nơi vua Lê Thái Tổ lập đền để ghi nhớ công ơn Mẫu giúp vua). Ngoài ra, còn có đền Suối Mỡ thuộc tỉnh Bắc Giang (là nơi dấu tích của Mẫu khi xưa học đạo); đền Tam Cờ, tỉnh Tuyên Quang; đền Mẫu Thượng, thành phố Lào Cai...

      Tại đền Đìa La, xã Phú Sơn còn lưu giữ một sắc phong cho mẫu Thượng Ngàn. Sắc phong ngày 09 tháng 10 năm Khải Định thứ 9 (1924) ghi: “Sắc cho thôn Phú Đối, xã Lạc Bình, tổng Vô Hốt, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình theo lệ cũ phụng thờ Thượng Ngàn công chúa nguyên tặng là Trang Vi Dực Bảo Trung Hưng Vị tôn thần là Lê Mại Đại vương”.

      1.3. Mẫu đệ tam Thoải Cung

      Thánh mẫu Thoải Phủ, bà vốn là con vua Bát Hải Thủy Quốc Động Đình, kết duyên cùng Kính Xuyên, là con vua Đất. Sau khi kết duyên, bà giữ chọn đạo tiết làm vợ nhưng người chồng Kính Xuyên lại thường xuyên bạn bè trà tửu, bỏ bê nghĩa phu thê, ít lâu sau Kính Xuyên cưới một người vợ lẽ là Thảo Mai. Vợ lẽ là người có nhan sắc nhưng lại gian xảo khôn lường. Nghe lời tiểu thiếp, Kính Xuyên vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Tại nơi rừng sâu bà không những được thú dữ yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Bà nhờ Liễu Nghị mang thư đến kể hết sự tình với vua cha. Sau đó bà được minh oan, kết duyên cùng nho sĩ Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai bị trừng phạt.

      Đền thờ Mẫu Thoải có ở nhiều nơi, đó là do lòng thành kính của nhân dân hoặc nơi đó là cửa sông, cửa biển còn hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa nơi có bến đò Lèn, đền Mẫu Thoải ở thành phố Lạng Sơn, gần sông Kỳ Cùng.

      2. Quan Trần Triều: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

      Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn (1231-1300), là con trai của An Sinh vương Trần Liễu và bà Nguyệt phu nhân, cháu gọi vua Trần Thái Tông là chú, sinh ra tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ (nay là huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Thuở nhỏ, ông có tư chất hơn người, thông minh tài chí, lại được giáo dục toàn diện nên sớm trở thành một tuấn kiệt, văn võ song toàn.

      Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của nhân dân Đại Việt.

      Ông vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả ba lần quân Nguyên - Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống giặc. Đặc biệt kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng, đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi đất nước.

      Sau trận chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba thắng lợi. Đất nước thanh bình, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lui về sống ở Vạn Kiếp. Ông đã dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp mà Kiếp Bạc là trung tâm để lập phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược giữ mặt đông bắc của Tổ Quốc. Ông còn cho trồng các loại cây thuốc để chữa bệnh cho binh sĩ và nhân dân trong vùng. Mùa thu tháng 8, ngày 20 năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8, tức ngày 5-9-1300 ông mất. Theo lời dặn của ông trước khi mất, thi hài ông được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh đồng rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ.

      3. Nhân vật phối thờ

      Tại di tích còn có ban thờ:

      - Bà Chúa Bản Phương: Qua tìm hiểu, chưa có tư liệu lịch sử nào viết về nhân vật này. Tại đền, Bà được thờ với vai trò là vị thần hiển linh giúp nhân dân trong cuộc sống.

      - Công đồng bản thổ: Là ban thờ chung tất cả các vị thần thánh tại đền.

      B. Sự kiện có liên quan tới di tích

      1. Di tích trong thời kỳ kháng chiến

      - Di tích là địa điểm làm kho lương thực của Nhà nước trong nhiều năm thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

      - Năm 1953 – 1954, di tích là trụ sở nhà thương quân đội.

      - Năm 1972, di tích là địa điểm sơ tán của Bệnh viện huyện Nho Quan

      2. Di tích trong thời kỳ hoà bình

      Trong thời kỳ đất nước hòa bình, kinh tế ổn định, phát triển, đền có vị trí quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành trung tâm sinh họat văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

      PHẦN III. SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN TỚI DI TÍCH.

      Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hoá sau (tính theo âm lịch):

      1. Ngày 15 tháng giêng: Lễ thượng nguyên

      2. Ngày 10 tháng 3: Lễ kỵ Mẫu

      3. Ngày 1 tháng 4: Lễ vào hè

      4. Ngày 20 tháng 8: Lễ kỵ Cha (giỗ Đức Thánh Trần)

      5. Ngày 1 tháng 7: Lễ ra hè

      6. Ngày 15 tháng 11: Lễ việc làng

      Đây là lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức trong hai ngày. Việc làng là lễ cúng tế thành hoàng và các vị thần thánh, công đồng thờ tại đền.

      Từ ngày 14, nhân dân trong thôn đã làm các công việc để chuẩn bị cho buổi lễ như bao sái các đồ thờ tự, cắm cờ, dựng rạp, quét dọn di tích.... Buổi chiều, các cụ trong thôn làm lễ cáo yết, buổi tế cáo có tế nam quan và nữ quan. Sáng ngày 15, buổi tế lễ chính được diễn ra trong không khí trang nghiêm: có phường bát âm, có chủ tế, tế nam quan, nữ quan... Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm. Vào dịp lễ này luôn có sự góp mặt đông đảo của nhân dân trong làng, những người đi làm ăn ở xa, khách thập phương để tham dự các hoạt động diễn ra tại đền.

      Ngoài ra, vào các ngày tư, rằm, mùng một hàng tháng đều có người hương khói tại di tích.

      PHẦN IV. KHẢO TẢ DI TÍCH.

      * Khảo tả di tích

      Công trình thờ tự chính của đền xây cao hơn nền sân khoảng 70cm, được kết cấu theo lối kiến trúc hình chữ đinh, gồm hai tòa: Tiền đường và Hậu cung.

      Toà Tiền đường gồm ba gian, dài 7,45m, rộng 5,3m. Hiên tiền đường rộng 1,5m. Hai bên trái hiên có hai cột đồng trụ, hai đốc hiện xây kín. Tiền đường có ba cửa ra vào. Cửa giữa rộng 1,15m, cao 1,95. Hai cửa bên mỗi cửa rộng 1m, cao 1,95m. Hệ thống cánh cửa bằng gỗ, bưng kín, kích thước các cánh cửa giữa, mỗi cửa rộng 0,58m. Cửa bên mỗi cánh rộng 0,50m.

 

Ban thờ bên phải Tiền đường

   

Ban thờ bên phải Tiền đường 

 

                                                                                                   

Ban thờ bên trái Tiền đường

 

      “Thiên đồng kế tục sáng linh từ Trong Tiền đường, toàn bộ phần mái được nâng đỡ bởi hệ thống tường và kết cấu gỗ đỡ mái, không có hệ thống cột, tạo sự thông thoáng, rộng mở cho di tích. Mái Tiền đường lợp ngói tây. Tiền đường là nơi đặt ban thờ Trần Hưng Đạo và ban thờ Chúa bản phương. Hai bên ban thờ được treo đôi câu đối bằng chữ Hán:

Đa tích tài bồi quang miếu vũ”

Dịch nghĩa:

Cùng trời kế tục mở đền thiêng

Tích tụ vun bồi sáng miếu vũ”

 

 

Câu đối Tiền đường

 

      Đây là công trình phục dựng lại, song lối kiến trúc được xây theo phong cách truyền thống.

Tiếp giáp với Tiền đường là Hậu cung được xây 1 gian chạy dọc liền sát tạo thành một không gian khép kín hình chữ đinh. Hậu cung dài 5,9m, rộng 3,5m, được kiến trúc tương tự Tiền đường, toàn phần mái được nâng đỡ bởi hệ thống tường, các hoành, rui mè bằng gỗ. Mái lợp ngói tây. Trên các mảng tường phía sau các ban thờ được vẽ trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Hậu cung là nơi đặt ban thờ Tam tòa thánh mẫu. Trong tòa Hậu cung có treo đôi câu đối bằng chữ Hán:

“Giáng sinh tích hướng Đìa La thượng

Bất tử cao tiêu Thái Lĩnh cao”

Dịch nghĩa:

“Giáng sinh in dấu Đìa La thượng

Bất tử danh truyền Thái Lĩnh cao”

 

 

 

Câu đối trong Hậu Cung

 

      Nói chung đền Đìa La là công trình đã được xây dựng từ lâu, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét cổ truyền, các bố cục được kết nối cân đối hài hòa, các mảng vẽ trang trí trên tường thể hiện nhiều đường nét tinh xảo.

 

 

Ban thờ hậu cung

 

      Cùng với kiến trúc truyền thống, đền Đìa La còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị như: Sắc phong, long ngai, bài vị, bát hương.

 

                                                                             

Sắc phong

 

      PHẦN III. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH

      Qua nghiên cứu về di tích và các nhân vật thờ cúng tại di tích, chúng tôi nhận thấy có những giá trị sau:

      - Di tích là nơi thờ cúng Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, đây là các nhân vật huyền thoại, đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Trong tiềm thức của dân Việt, Mẫu đã có công phù giúp nhân dân trong cuộc sống, làm ăn sinh sống, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Âm phù giúp các triều đại vua chống giặc ngoại xâm, mang lại bình yên cho đất nước. Nhân dân lập đền, thờ Mẫu với vai trò là Thành hoàng làng.

      - Di tích là nơi thờ cúng đức Trần Hưng Đạo, một nhân vật lịch sử nổi tiếng gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ông được thờ tại đền với vai trò là một người Cha. Từ đây có thể giải thích phần nào về tục thờ Quan Trần Triều trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

      - Tìm hiểu về di tích, chúng ta có dịp tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của làng xã, về sự thay đổi địa giới hành chính qua các thời kỳ, về con người và truyền thống văn hóa của vùng đất có di tích.

      - Tại di tích còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự quý như tượng thờ, bát hương, long ngai, bộ tam sự ... bằng những chất liệu đồng, sứ, đá và gỗ. Chúng ta được tiếp cận nhiều những tư liệu lịch sử còn dưới dạng chữ viết như sắc phong, câu đối. Điều này, nêu cao ý nghĩa của việc giữ gìn những di sản văn hóa của người dân địa phương. Đó là những nguồn sử liệu quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu về quá trình hình thành, tồn tại của di tích.

      - Đền Đìa La là di tích đã được xây dựng lâu đời. Từ lâu, di tích đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân, góp phần giáo dục thế hệ sau về truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

      PHẦN IV. THỰC TRẠNG PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH

      1. Thực trạng.

Từ khi khởi dựng tới nay, di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, nhưng do nhiều nguyên nhân, các công trình cũ không còn nguyên vẹn. Trước đây, phần nội tự của đền được làm bằng gỗ, lợp gianh.

Năm 1948, đền bị giặc đốt một phần. Năm 1999, phần bị đốt và phần bị xuống cấp đã được dỡ bỏ và xây sửa lại toàn bộ bằng bê tông, vì kèo gỗ, lợp ngói. Năm 2002 di tích được mở rộng thêm khuôn viên, làm sân, xây cổng và xây tường bao quanh di tích.

      2. Phương hướng bảo vệ.

      Hiện nay, di tích được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm, bảo vệ tốt, tạo cho khuôn viên di tích ngày một khang trang, nhằm phát huy giá trị của di tích, góp phần giáo dục lòng tự hào, yêu quê hương đất nước đối với các thế hệ con cháu.

      Về mặt pháp lý, di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003, mang tên đền Đìa La, tại tờ bản đồ 07, thửa 213 với diện tích 850m; tại đền đã thành lập Ban khánh tiết.

      Qua thực trạng bảo vệ di tích, chúng tôi đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm bảo tồn bền vững di tích gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như sau:

      - Việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích phải đảm bảo các quy định của Luật Di sản văn hoá, Pháp lệnh, Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

      - Hàng năm, phát huy các sinh hoạt văn hoá truyền thống, nhằm giáo dục các thế hệ con cháu về các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

      - Cần có biện pháp lâu dài để giữ gìn được những hiện vật có giá trị lịch sử, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích.

      - Thực hiện tốt việc việc khoanh vùng bảo vệ, quy hoạch tổng thể cho toàn bộ di tích và có chiến lược phát triển khu di tích trong tương lai.

      3. Tổ chức tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích

      Trong những năm qua, với nhận thức DSVH là tài sản vô giá đối với địa phương, bởi vậy công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo để phát huy các giá trị của di tích được UBND xã Phú Sơn xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác QLDT và chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương. Hàng năm, để đảm bảo công tác đầu tư chống xuống cấp cho các hạng mục của di tích, UBND xã Phú Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời chỉ đạo công chức văn hóa-thông tin, kế toán-tài chính xã tổ chức khảo sát đánh giá hiện trạng và tình trạng kỹ thuật tại các di tích. Với kết quả đánh giá thực trạng để thiết lập phương án đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phi chống xuống cấp. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của và qua kiểm tra, khảo sát thực tế, từ năm 2012 đến năm 2017 UBND xã Phú Sơn phối hợp với Phòng VH&TT đã đề nghị UBND huyện tổ chức lập dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích và xây dựng tờ trình về việc xin hỗ trợ kinh phi chương trình mục tiêu quốc gia tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích và lập dự án xin kinh phí chương trinh đầu tư trọng điểm cho việc tu bổ, tôn tạo di tích năm 2017.

      Trong năm 2017 và quý 1 năm 2018, được sự quan tâm của Sở VHTT cùng với UBND huyện Nho Quan, vốn của nhân dân địa phương và nguồn công đức của tập thể, cá nhân, địa phương đã tổ chức tốt việc tu bổ và tôn tạo lại di tích.

      Qua thực hiện dự án, địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng và cùng nhân dân địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án tu bổ. Các dự án tu bổ, tôn tạo được thực hiện nghiêm túc, không sai lệch với thiết kế ban đầu, đảm bảo tốt nguyên tắc trong tu bổ,bảo quản di tích.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH SAU KHI TU BỔ, TÔN TẠO DI TÍCH ĐỀN ĐÌA LA

 

Toàn cảnh di tích

 

 

Mặt trước

 

 

Gian Thờ hậu cung

 

 

Chấn Phong

 

 

Đỉnh hương

 

      Xã Phú Sơn hiện nay có di tích phủ châu Sơn; đền châu Sơn đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Việc xếp hạng di tích đền Đìa la nhằm thúc đẩy việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích có phần giáo dục cho thế hệ sau và sự thành kính biết ơn sâu sắc của dân làng đối với các vị thần thánh đã luôn phù hộ giúp nhân dân trong cuộc sống./.

 

Nguồn: Lý lịch di tích Lịch sử Đền Đìa La

Tác giả: Khánh Chi - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Phú Sơn