ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ PHÚ SƠN
Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn

Phú Sơn đẩy mạnh sản xuất vụ đông

Thứ hai, 06/10/2014

Với phương châm "sáng lúa, chiều đông", bà con nông dân xã Phú Sơn (Nho Quan) vừa thu hoạch lúa mùa vừa khẩn trương làm vụ đông, lúa mùa gặt đến đâu trồng ngay cây đông đến đó, nhất là diện tích nằm trong vùng kế hoạch sản xuất cây vụ đông.

 

Anh Nguyễn Văn Đình, thôn 5, xã Phú Sơn (Nho Quan) chăm sóc đậu xanh leo.

 

Trời đã hơn 11h trưa, trên xứ đồng Bông, bác Nga ở thôn 1, xã Phú Sơn (Nho Quan) cùng nhiều hộ xã viên vẫn chưa nghỉ làm đồng. Ngừng tay cuốc, bác Nga chia sẻ: Từ xa xưa, xứ đồng này trồng bông nên có tên gọi từ đó. Trong năm, trên xứ đồng này, nông dân đã canh tác 2 vụ lúa: vụ đông xuân, vụ mùa và bây giờ là làm vụ đông. Hơn 14 năm nay, ở mảnh ruộng 1 sào 10 thước này gia đình tôi đều trồng cây vụ đông. Chân ruộng rất thích hợp với cây khoai lang Hoàng Long.

Vụ nào nắng nhiều, khoai cho năng suất từ 300 đến 350 kg/sào. Khoai lang Hoàng Long đang trở thành món ăn đặc sản. Vụ trước, khách hàng đến thu mua ngay đầu ruộng. Củ loại to có giá 4.000 đồng/kg, nhỏ hơn khoảng 2.500 đồng/kg. Các xứ đồng sau Lò, vườn Ràng, gốc Bàng, cầu Lội… là những xứ đồng cấy lúa, trồng mầu và cây vụ đông nổi tiếng ở  Phú Sơn; truyền thống làm cây vụ đông đã hình thành từ hơn chục năm nay.

Đồng chí Vũ Hồng Phong Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn, chia sẻ: Cùng với các Nghị quyết của tỉnh và huyện, Đảng bộ xã cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển vụ đông và thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND xã là Phó ban thường trực. Dưới các thôn thành lập tổ chỉ đạo do Bí thư chi bộ là tổ trưởng, phân công các thành viên chỉ đạo phụ trách cụ thể từng thôn, xóm về sản xuất vụ đông.

Hàng năm, UBND xã Phú Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và tổ chức thực hiện ngay từ vụ lúa đông xuân đến việc tăng diện tích lúa mùa sớm từ 75% lên 80%, để có quỹ đất sản xuất vụ đông. Mặc dù mấy năm gần đây, sản xuất vụ đông gặp nhiều bất lợi của thời tiết: mưa lụt, úng đầu vụ  đến cuối vụ thì rét đậm, hạn hán…, song diện tích cây vụ đông ở Phú Sơn vẫn đảm bảo ổn định. Cây khoai lang và cây ngô được nông dân trồng là chủ yếu. Cụ thể, vụ đông năm trước, toàn xã có 191 ha cây đông, thì có trên 75 ha khoai lang, gần 12 ha ngô… Khoai lang đã cho thu hoạch với năng suất 97,2 tạ/ha, giá trị 43,7 triệu đồng/ha; cây ngô cho thu hoạch 30,5 tạ/ha, rau đậu các loại cho thu hoạch giá trị khoảng 40 triệu đồng/ha…

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Sơn, cho biết: Vụ đông năm nay, HTX dự kiến gieo trồng 160 ha, trong đó khoai lang 76 ha, ngô 19 ha, đỗ tương 6,2 ha, bí xanh 1,5 ha, khoai tây, khoai sọ 2 ha và rau đậu các loại 55 ha… Song song với việc xuống giống, các thôn có kế hoạch nạo vét thủy lợi nội đồng vùng sản xuất, nhằm phục vụ tiêu úng kịp thời đầu vụ, tưới hạn cuối vụ. Tính đến ngày 3-10, xã viên trong 7 thôn của xã đã trồng được 63 ha khoai lang, gần 4 ha ngô và gần 10 ha rau đậu. Riêng thôn 5 triển khai trồng sớm hơn, vì có nhiều đất chân ruộng mầu. Xã quy hoạch xây dựng hai vùng sản xuất điểm tại xứ đồng Cửa Du (thôn 7), sau Lò, gốc Bàng (thôn 5) với tổng diện tích 11 ha; đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông…

Dẫn chúng tôi thăm thửa ruộng trồng đậu xanh leo, anh Nguyễn Văn Đình, thôn 5 cho biết:  Ngoài 10 sào ruộng được chia theo tiêu chuẩn, gia đình tôi còn mượn thêm 5 sào của những hộ gia đình không có điều kiện làm vụ đông để sản xuất. Các loại cây đông chủ yếu đã trồng gồm: đậu xanh leo 5 sào, ngô lai 4 sào, bí xanh 2 sào, còn lại là khoai lang, rau cải…

 Anh Đình kể: Các vụ trước, cây đậu xanh leo trồng sớm, đạt năng suất 8 tạ/sào cho giá trị 7 triệu đồng/sào. Trồng muộn, cho thu thấp hơn, khoảng 4 đến 5 triệu đồng/sào, bởi khi đó là chính vụ có nhiều người trồng, nên giá bán hạ, hơn nữa quỹ thời gian cho thu hái cũng ngắn hơn...

Bài, ảnh: Minh Đường